Có một thời, đặt chân đến Hoàng Xá chỉ cần thấy những những sợi nan tre, nứa trải khắp từ con ngõ đến khoảng sân, góc nhà là đủ biết sức sống của làng nghề. Ban đầu, đan lát không phải là công việc chính của những người dân nơi đây, họ chỉ tận dụng thời gian rảnh sau vụ mùa để đan lát, tạo ra những vật dụng trong gia đình. Về sau các sản phẩm này được ưa chuộng, nhiều người tìm mua nên từ đó hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường. Nghề đan lát đã vươn ra khỏi “lũy tre làng”, năm 2005, được UBND tỉnh công nhận “Làng nghề đan lát Ba Đông” và được hỗ trợ hai máy chẻ lột nan.
Những năm 2005 - 2015 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của làng nghề, cả xã có tới hơn 300 hộ làm nghề. Thời điểm đó, đan lát trở thành nghề chính ở hầu hết các gia đình, sản phẩm không phải lo đầu ra, làm đến đâu có thương lái trực tiếp thu mua đến đấy. Trung bình mỗi ngày một người đan “cừ” có thể làm ra được 5 đến 8 sản phẩm tùy loại, giá bán trung bình từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng. Những gia đình có máy chẻ trong làng phải hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm để kịp cho người dân trong làng lấy về đan. Trẻ lên tám thì học làm khoáy, làm tua; người lớn thì quây nan, bắt miệng, cạp vành… ai cũng tất bật, nhộn nhịp với công việc.
Nay đã 75 tuổi, gần 20 năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Văn Thông - khu 9 chia sẻ: “Nghề đan lát đòi hỏi sự kiên trì bởi phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ pha nan, chẻ nan, vót nan, đan, cạp… Tre, nứa dùng để pha nan, làm cật phải là thân cây thẳng, không già quá, cũng không non quá mới có độ dẻo dai, sản phẩm làm ra mới bền và đẹp. Để sợi nan dẻo dai hơn, sau khi pha nan, nan tre được ngâm qua nước, đem phơi khô, sau cùng là công đoạn đan và hoàn thiện để tạo ra thành phẩm”.
Với bàn tay khéo léo, người làng Ba Đông đã tạo ra những vật dụng cần thiết, gần gũi với cuộc sống của con người. Mùa nào thứ đấy, thời điểm giáp hạt thì đan rổ, rá... đến mùa gặt thì đan thúng, mủng, nong, nia, giần, sàng; mùa nước lên thì đan nơm, chúm, lờ… Mỗi sản phẩm làm ra đều mang tâm huyết, hồn cốt của người dân nơi đây bởi nó được tạo ra từ sự chăm chút và lòng tự hào gắn bó, tiếp nối giá trị truyền thống của cha ông.
Tuy nhiên, khoảng ba năm trở lại đây, làng nghề đan lát Ba Đông thực sự gặp khó khăn, thế hệ trẻ không còn nhiều người mặn mà với nghề. Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá- Đào Công Thọ chia sẻ: “Hiện nay, làng nghề chỉ còn khoảng gần 50 hộ làm nghề nhưng cũng không làm thường xuyên. Xã có cụm công nghiệp Hoàng Xá đóng trên địa bàn đã đi vào hoạt động ổn định nên đại đa số người dân trong độ tuổi lao động đã “đầu quân” vào các công ty, thêm vào đó, diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 nên nhiều hàng hóa không xuất bán ra các tỉnh, hàng tồn nhiều nên người dân sinh ra tâm lý chán nản, số người gắn bó với nghề chủ yếu là người già từ 60 tuổi trở lên và trẻ nhỏ phụ giúp những công đoạn đơn giản”.
Trải qua bao thăng trầm, làng Ba Đông vẫn còn đó những người nặng lòng gắn bó với nghề, miệt mãi giữ gìn, thắp lên ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế cận, dẫu biết rằng đó còn là cả một quá trình khó khăn. Bên cạnh nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương cũng mong muốn, ấp ủ dự định phát triển làng nghề trở thành một trong những điểm du lịch thu hút du khách tới thăm quan và trải nghiệm mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Thanh Thủy.
Nguồn: BaoPhutho.vn